Ticker

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

Responsive Advertisement

Không cho xuất bến xe không có “hộp đen”

Theo ông Lê Hồng Việt - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, Sở GTVT TP vừa có quyết định từ ngày 2-7 sẽ kiểm tra 13 doanh nghiệp vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn gọi là “hộp đen”.
Đồng thời sở giao cho Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe buýt (hiện có hơn 3.000 xe buýt) nếu chạy sai hành trình, chạy quá tốc độ, hoặc dừng đỗ xe không đúng quy định.

Không cho xuất bến xe không có “hộp đen”

Sở GTVT TP.HCM cũng giao ban quản lý các bến xe khách phối hợp với các bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga không cho xuất bến đối với xe chưa lắp đặt “hộp đen”. Ban quản lý các bến xe khách sẽ đề xuất để sở thông báo đến sở GTVT các tỉnh, thành về những xe vi phạm.
Ông Lê Hồng Việt cho biết theo quy định của Bộ GTVT, thanh tra sở sẽ kiểm tra “hộp đen” đối với xe buýt, xe đò tuyến cố định, xe hợp đồng du lịch và xe container. Các doanh nghiệp, chủ xe không lắp đặt “hộp đen” hoặc lắp đặt “hộp đen” chỉ để đối phó (không có tác dụng) sẽ bị phạt như không cấp phù hiệu (xe tuyến cố định, xe hợp đồng du lịch), không cấp biển hiệu (xe chở khách du lịch). Trường hợp doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Thông qua kiểm tra “hộp đen”, các cơ quan chức năng sẽ xử phạt doanh nghiệp nếu để tài xế chạy liên tục quá bốn giờ mà không dừng nghỉ hoặc để tài xế chạy quá mười giờ trong ngày.
“Hộp đen” có kích thước như chiếc điện thoại nhưng không có màn hình và sử dụng năng lượng từ hệ thống điện ôtô. Trong thiết bị có gắn sim kết nối mạng di động, hệ thống định vị GPS... Theo đó, các thông tin về hoạt động xe như vận tốc xe chạy, thời gian mở cửa, thời gian xe dừng đậu, thời gian làm việc của lái xe... sẽ được gửi về trung tâm tiếp nhận thông tin qua mạng và phần mềm quản lý của doanh nghiệp vận tải.
Xử lý doanh nghiệp “treo đầu dê bán thịt chó”
Để bảo đảm chất lượng “hộp đen” đạt quy chuẩn, Bộ GTVT đã mở đợt thanh tra các doanh nghiệp cung ứng “hộp đen” tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hóa. Trong đợt 1, từ ngày 2 đến 26-4-2013, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT đã phát hiện một số đơn vị vi phạm, tập trung ở một số nội dung như không đủ năng lực về nhân lực, thiết bị phục vụ công tác sản xuất; “hộp đen” không theo dõi, trích xuất được đủ các thông tin bắt buộc; không đáp ứng đủ tính năng theo quy định.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện doanh nghiệp gian lận trong việc kê khai nguồn gốc, “hộp đen” nhập khẩu nhưng lại kê khai là tự sản xuất, lắp ráp; không sử dụng đúng phương pháp đo tốc độ được Bộ GTVT chứng nhận với phương pháp thực tế lắp đặt trên các xe (phương pháp đo tốc độ được chứng nhận là theo xung chuẩn, nhưng thực tế lắp trên các xe theo phương pháp GPS). Bộ GTVT đã thu hồi giấy chứng nhận hợp quy của ba đơn vị ở Hà Nội gồm Công ty Tân Á Châu, Công ty Sao Việt và Công ty Vạn Xuân có nhiều sai phạm và yêu cầu hai đơn vị gồm Công ty Eposi, Công ty Vcomsat khắc phục một số tồn tại của thiết bị đã cung cấp ra thị trường trong thời hạn ba tháng.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Thạch Như Sỹ - phó chánh thanh tra Bộ GTVT - cho biết đến nay bộ đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận hợp quy của tám đơn vị có những sai phạm trong việc cung ứng “hộp đen” vì đã lắp đặt các thiết bị trên các xe của các đơn vị vận tải không đúng với thiết bị đã trình Bộ GTVT. Nói cách khác, các đơn vị này đã “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Chất lượng mỗi nơi mỗi kiểu
Để bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp đã lắp đặt “hộp đen”, Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép phải đảm bảo duy trì “hộp đen” theo đúng yêu cầu quy định và chịu trách nhiệm tiếp tục bảo hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đối với các sản phẩm “hộp đen” đã lắp đặt trên các xe theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, các chuyên gia về giao thông nhận định không chỉ có doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép lắp đặt “hộp đen” mà sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lắp “hộp đen” tự động đóng cửa do thị trường cung ứng “hộp đen” đã bão hòa. Điều này dẫn đến dịch vụ bảo trì chất lượng “hộp đen” không được đáp ứng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải.
Theo một chuyên gia ngành giao thông, với quá nhiều doanh nghiệp cung cấp “hộp đen” cho thị trường khoảng 200.000 ôtô đã dẫn đến cạnh tranh giá và chất lượng “hộp đen” không ổn định. Lúc đầu giá một “hộp đen” 5-7 triệu đồng, hiện có nơi hạ giá còn 3-4 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp không có dây chuyền sản xuất “hộp đen” mà chỉ lắp ráp “hộp đen” bằng thủ công đã dẫn đến chất lượng khác nhau.
 
DMCA.com Protection Status